Ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ nông sản


Thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bưởi Đoan Hùng đã góp phần nâng cao giá trị của thương hiệu bưởi Đất Tổ.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng, tạo ra phương thức kinh doanh mới, hiện đại và hiệu quả kinh tế cao.

Theo đà phát triển của khoa học công nghệ và việc ứng dụng vào trong thực tế sản xuất, năng suất, sản lượng của ngành nông nghiệp ngày càng gia tăng. Bên cạnh việc góp phần tăng thu nhập cho người nông dân thì áp lực về tiêu thụ tăng theo. Bên cạnh việc tiêu thụ nông sản bằng các biện pháp truyền thống tại các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng thực phẩm thì việc tiêu thụ nông sản, thực phẩm thông qua các ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển. Là một trong những HTX sớm sử dụng mạng xã hội để mở rộng thị trường tiêu thụ, trang bán hàng online của HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc ở xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa đã thu hút được hàng ngàn lượt người ghé thăm, tìm hiểu và đặt mua sản phẩm. Anh Bùi Đức Tuyển, Giám đốc HTX cho biết: Nếu chỉ kinh doanh tại các chợ dân sinh hoặc cửa hàng theo kiểu truyền thống chúng tôi rất khó cạnh tranh để mở rộng thị trường và giới thiệu quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, nhất là đối với các gia đình trẻ, bận nhiều công việc, chúng tôi quyết định bán các sản phẩm nông sản của mình qua hình thức online như mạng xã hội: facebook, Instagram, zalo… Đến nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt khách hàng thường xuyên truy cập, tìm hiểu và đặt hàng giúp công việc kinh doanh của chúng tôi ngày càng ổn định và phát triển. Thời gian tới, chúng tôi cố gắng thành lập trang web riêng để xây dựng thương hiệu cho HTX.

Xu thế giới thiệu nông sản, thực phẩm theo hình thức online ngày càng được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cá nhân thực hiện. Giờ đây, người tiêu dùng không cần phải đến các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn có thể đặt mua các loại thực phẩm thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Để khai thác tiềm năng phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, Phú Thọ đã đưa vào hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử với địa chỉ truy cập trên Internet là giaothuong.net.vn, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cập nhật thường xuyên các sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; tạo kết nối đầu ra trên mạng Internet; đưa mua sắm trực tuyến thành hình thức mua hàng phổ biến; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh… Thông qua trang website thương mại điện tử, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh có thể tiến hành giao dịch điện tử, ký kết hợp đồng điện tử đồng thời với nhiều khách hàng mà không phải bỏ quá nhiều thời gian, chi phí đi đàm phán, giảm bớt các khâu phân phối trung gian. Bên cạnh đó, việc thường xuyên có được thông tin cập nhật về thị hiếu của khách hàng, sản phẩm của đối thủ cạnh tranh... sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ.

Trước đây, khi sản phẩm nông sản, thực phẩm đến được tay người tiêu dùng thì rất khó để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tuy nhiên, trong khoảng vài năm trở lại đây, khá nhiều HTX, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng việc dán tem QR, mã vạch cho sản phẩm. Điều này cho thấy đã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy tiêu thụ nông sản, thực phẩm bởi việc dán tem giúp cho người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, giúp phân biệt hàng thật, hàng giả, tạo điều kiện để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như rau an toàn Tứ Xã, Tu Vũ, bưởi Đoan Hùng, thịt lợn, thịt gà, chè xanh… đã có mặt ở hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, Vinmart+, CoopMart, BigC. Chị Hoàng Thị Minh Thu ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho biết: Bây giờ chúng tôi đi siêu thị mua thực phẩm chỉ cần mở điện thoại ra quét là có thể biết được sản phẩm mình mua có nguồn gốc từ đâu, thời hạn sử dụng, nên vô cùng tiện lợi trong việc chọn mua sản phẩm.

Dù mới được thành lập xong nhờ sự hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, HTX bưởi Xuân Thủy, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập đã thực hiện được việc dán tem. Ông Nguyễn Văn Nêm, Giám đốc HTX cho biết: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, tạo điều kiện cho khách hàng phân biệt được sản phẩm chính gốc và sản phẩm nhái, từ đó có thể giữ và nâng cao giá trị, giá thành của sản phẩm. Tới đây, chúng tôi sẽ đầu tư để mở rộng thêm hình thức bán hàng online nhằm để phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Ứng dụng công nghệ vào tiêu thụ nông sản, thực phẩm đã góp phần đa dạng hóa các kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường, hướng tới nhiều đối tượng khách hàng thuộc các tầng lớp khác nhau. Đây cũng là xu thế phát triển trong tương lai của thị trường nên rất cần các cơ quan chức năng có những hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực này vừa tạo điều kiện để người sản xuất kinh doanh thuận lợi trong tiêu thụ vừa tránh thất thu thuế cho ngân sách.

Quân Lâm_baophutho.vn