Phát triển bền vững cây ăn quả có múi

Kì I: Bài toán giữa “lượng” và “chất”

Thành viên Hợp tác xã sản xuất kinh doanh bưởi xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng chăm sóc bưởi Sửu.

Trong những năm gần đây, các loại cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi... được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng cả về diện tích, sản lượng và giá trị. Để tiếp tục phát triển cây ăn quả có múi theo hướng an toàn, bền vững, các cấp, các ngành cần quan tâm, triển khai đồng bộ về các vấn đề rà soát và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, mở rộng liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ, phát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ,…

Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trên địa bàn tỉnh diện tích cây ăn quả có múi, nhất là các giống bưởi liên tục tăng nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 2013, diện tích bưởi chỉ là hơn 1.470ha, sản lượng hơn 9.800 tấn quả thì đến nay, tổng diện tích đạt hơn 4.900ha, trong đó có 3.000ha bưởi cho thu hoạch, sản lượng bưởi quả đạt trên 34.000 tấn. Giá trị thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích cho thu nhập 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Tại nhiều địa phương, người dân còn chủ động trồng thử nghiệm các giống bưởi khác như bưởi Xuân Vân, bưởi Da Xanh, bưởi Đỏ... được đánh giá thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của tỉnh, cho chất lượng ban đầu khá tốt. 

Đoan Hùng là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích trồng bưởi, hiện có 2.450ha. Trong đó, giống bưởi đặc sản là bưởi Sửu 530ha, bưởi Bằng Luân 890ha, bưởi Diễn là 830ha, còn lại là một số giống bưởi khác. Với sản lượng bưởi đặc sản 8.000 tấn, giá trị sản phẩm đạt trên 180 tỷ đồng. So sánh với các cây trồng khác, bình quân 1ha bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa, gấp 20 lần trồng cây lâm nghiệp, gấp 5 lần trồng chè. Cây bưởi đã trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. 

Xã Chí Đám hiện có trên 90ha với khoảng 2.700 gốc bưởi Sửu, năng suất trung bình đạt từ 200 - 300 quả/cây/năm. Sản phẩm bưởi đặc sản Chí Đám đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và chính thức dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc từ năm 2017. Đây là “đòn bẩy” quan trọng giúp sản phẩm bưởi Sửu nói riêng và cây ăn quả có múi của tỉnh quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.

Bên cạnh cây bưởi thì các giống cam như: Cao Phong lòng vàng, cam canh cũng đang trở thành loại cây chủ đạo trong phát triển kinh tế của người nông dân. Toàn tỉnh có hơn 251ha cam các loại, trong đó có 181ha đang cho sản phẩm; năng suất ước đạt trên 1.000 tấn/năm. 


Quầy giới thiệu sản phẩm của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi Đoan Hùng.

Những kết quả này, mở ra một hướng phát triển mới ở chính những nơi còn nhiều khó khăn, đã từng lúng túng trong việc tìm và chuyển dịch cơ cấu cây trồng sao cho hiệu quả. Thực tế trồng cây có múi đang cho thu nhập cao, trung bình từ 220 - 250 triệu đồng/ha/năm, gấp nhiều lần trồng lúa và các loại cây khác. Đây là lý do chính người nông dân bỏ các loại cây gắn bó lâu năm như vải, ổi, táo... để mở rộng diện tích các loại cây này. Đặc biệt, khi Thông tư 19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực, nới lỏng hơn về quy định trồng cây lâu năm trên đất lúa chuyển đổi thì diện tích cây ăn quả có múi ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, việc trồng và phát triển cây ăn quả có múi chủ yếu phát triển theo quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ lẻ, nhiều diện tích không theo quy hoạch nên dẫn tới hiệu quả không cao. Ngoài ra, diện tích tăng nhanh, người dân không kiểm soát được dịch bệnh, chất lượng sản phẩm, không quan tâm xây dựng quy trình sản xuất an toàn, chưa quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ nên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững. 

Tại khu Quyết Tiến xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn có 192 hộ dân thì nhà nào cũng trồng bưởi Diễn. Có hộ trồng ít thì khoảng 20 - 30 gốc, hộ nhiều lên tới 300 gốc. Ông Đặng Ngọc Phong ở khu Quyết Tiến trồng 80 gốc bưởi Diễn từ năm 2009, hiện đã cho thu hoạch. Cứ đến mùa thu hoạch, thương lái đến nhà thu mua quả loại 1, loại 2 còn lại thì gia đình mang ra chợ bán. Do không nằm trong vùng quy hoạch trồng bưởi của huyện Thanh Sơn và cũng chưa có hợp đồng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên sản phẩm của gia đình ông Phong vẫn phải phụ thuộc vào các thương lái, giá cả cũng như chất lượng đều khá bấp bênh. 

Tổng diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Thanh Sơn đến hết năm 2019 là trên 500ha. Trong đó chỉ có 222,96ha bưởi Diễn trồng theo dự án; 3 mô hình trồng cam áp dụng tiến bộ kỹ thuật tại xã Lương Nha, Văn Miếu, Tinh Nhuệ với diện tích 4ha còn lại là diện tích trồng trong dân. Số diện tích cây ăn quả trồng trong dân chủ yếu do người dân tự mua giống, quy hoạch vườn tạp của gia đình để đầu tư. 

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn cho biết: Những năm gần đây, người dân thường chọn trồng cây ăn quả có múi. Dù hiện nay, diện tích chưa nhiều, song tư tưởng, tập quán một số hộ dân chưa chú trọng vào đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa, tự ý chuyển đổi cây trồng với quy mô nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở sản xuất giống cây ăn quả nói chung và cây bưởi nói riêng, nguồn giống chưa đáp ứng được yêu cầu nên phải nhập từ nơi khác về, giá thành cao, chất lượng không đảm bảo. 

Từ thực tế trên, do một số diện tích phát triển tự phát không có kế hoạch nên số diện tích trồng ở những nơi không chủ động được nguồn nước, không có điều kiện thuận lợi để chăm sóc, chất đất không phù hợp khiến người làm vườn phải tăng chi phí sản xuất, mất nhiều công sức, nhiều rủi ro. Việc phát triển sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi còn chậm, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái mà không có hợp đồng chặt chẽ. Các địa phương vẫn còn khó khăn trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ bưởi; việc xây dựng thương hiệu và quản lý thương hiệu bưởi đặc sản còn hạn chế. Diện tích trồng mới đa số manh mún, chưa thành những vùng tập trung; người dân chưa chú trọng thực hiện quy trình, do đó năng suất, sản lượng chưa ổn định, chất lượng quả chưa đồng đều, mẫu mã sản phẩm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Chính vì thế, một số giống cây trồng có múi bản địa như: Quýt Đông Khê, cam V2, V3, Cao Phong… đưa vào sản xuất chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.
 
Do đặc thù của cây ăn quả có múi là phải mất thời gian dài mới đánh giá được hiệu quả kinh tế nên dù hiện tại cây ăn quả có múi mang lại giá trị cao nhưng các địa phương cần thận trọng khi mở rộng diện tích trên cơ sở quy hoạch chung đã xây dựng.

 

Kỳ II: Giải pháp để trở thành cây mũi nhọn