Phát triển bền vững cây ăn quả có múi

Kỳ II: Giải pháp để trở thành cây mũi nhọn


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải kiểm tra thực tế mô hình trồng cam tại xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.

Để phát triển cây ăn quả có múi đúng hướng và bền vững, các ngành, địa phương trong tỉnh cần có những giải pháp cụ thể. Trong đó, kiềm chế tăng trưởng “nóng” diện tích, tập trung vào các giải pháp thâm canh, tăng năng suất, mở rộng quy mô cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP gắn với liên kết trong sản xuất và quan tâm hơn đến khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

 

Đến thăm trang trại tổng hợp của ông Phạm Hồng Diến, thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê, trước mắt chúng tôi là một màu xanh ngút ngàn của các loại cây bưởi, cam, chanh. Ông Diến cho biết: Trang trại rộng 7ha, trồng 3.000 gốc cam lòng vàng, cam canh; 2.000 gốc bưởi da xanh; 600 gốc bưởi diễn còn lại là giống bưởi Tân Lạc lõi đỏ, bưởi Hoàng. Năm nay là năm đầu tiên trang trại có hơn 1.000 gốc cam canh ra bói, dự kiến cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả. Trang trại trồng cây theo mô hình an toàn VietGap vừa bảo vệ môi trường vừa an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện đã có một số siêu thị ở Hà Nội đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm của trang trại. 

Đối với Hợp tác xã sản xuất kinh doanh bưởi xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, thành lập năm 2012 với mục tiêu chính là chú trọng phát triển cây bưởi đặc sản. Từ đó đến nay, các thành viên trong Hợp tác xã luôn nỗ lực bảo vệ, xây dựng và phát triển thương hiệu bưởi Đoan Hùng ngày càng bền vững với nhiều hình thức như dán tem truy xuất nguồn gốc, trồng bưởi theo hướng nông nghiệp hữu cơ, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Năm 2019, Hợp tác xã đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một công ty trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ngược lại, phía Công ty cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên trong Hợp tác xã chăm sóc theo quy trình an toàn VietGap. 

 

Đây là hai trong số các điển hình trồng theo mô hình sản xuất tập trung, bước đầu mang lại hiệu quả, tiến tới xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân, tạo ra sản phẩm an toàn và giá trị cao. Ngoài ra, các mô hình trồng cây ăn quả có múi ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm tại các huyện Thanh Ba, Tam Nông, Thanh Thủy, Phù Ninh, Đoan Hùng cũng đã được hình thành với quy mô lớn bước đầu cho thấy khả năng thích ứng trên vùng đất cao hạn, đất đồi của các loại cây này. 


Thu hoạch cam canh tại trang trại hộ anh Đinh Hữu Sơn, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Để phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả có múi gắn với phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó cây có múi được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước về giống, vật tư, phân bón cũng được quản lý chặt chẽ không để tình trạng kinh doanh tràn lan không đảm bảo quy định ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và sự phát triển bền vững. Tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất ngành bưởi và cây ăn quả có múi theo hướng hàng hóa, hiện đại: Sản xuất theo chuỗi liên kết từ trồng - bảo quản- chế biến - tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô thích hợp; khắc phục hoạt động kém hiệu quả của các hợp tác xã hiện tại và tiếp tục thành lập các Hợp tác xã kiểu mới thực sự có hiệu quả. Đưa ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP vào trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi và cây có múi khác nhất là trong công nghệ tưới, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản, chế biến.

Một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao đang được triển khai sẽ là cơ sở để các địa phương nhân rộng, phát triển cây có múi theo hướng hàng hóa như: Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng; mô hình trồng bưởi Diễn, bưởi Da xanh tại xã Trung Thịnh, huyện Thanh Thủy, quy mô 1,5ha đã ký hợp đồng tiêu thụ và kết hợp nhân cây giống cung cấp cho thị trường; mô hình trồng cây ăn quả có múi theo hướng VietGAP ở thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê với 3.000 gốc cam lòng vàng, cam canh…

Bên cạnh việc thực hiện quyết liệt chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương cần rà soát, xác định các vùng phát triển tập trung cho từng loại cây có múi; xây dựng kế hoạch chi tiết về diện tích, địa điểm, tiến độ thực hiện cho từng địa phương, có chiến lược cụ thể, dài hơi trong việc phát triển cây có múi. Để làm được điều này, các địa phương phải đặc biệt ưu tiên vấn đề hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết, có kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả trồng bưởi và các loại cây có múi; hướng dẫn nông dân trong việc tổ chức sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; nâng cao ý thức của người dân sản xuất kinh doanh, bảo vệ thương hiệu và sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng.

Toàn tỉnh hiện có 151 vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung; 33 trang trại; 5 hợp tác xã; 1 tổ hợp tác; với diện tích sản xuất đạt hơn 222ha, trong đó cây bưởi đạt hơn 207ha. Một số địa phương đã cân đối nguồn ngân sách để xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng cho phát triển sản xuất cây bưởi. Có 7 huyện đã thực hiện rà soát với tổng diện tích dự kiến thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.436ha, trong đó 6/7 huyện đã được thẩm định và UBND huyện đã phê duyệt phương án với diện tích là 1.406ha gồm: Đoan Hùng 822,3ha, Phù Ninh 103,1ha, Yên Lập 72,8ha, Thanh Sơn 293,3ha, Thanh Thủy 105,6ha, Cẩm Khê 8,5ha.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Xác định phát triển cây ăn quả có múi an toàn, bền vững, trong đó có cây bưởi là cây trồng mũi nhọn, trước hết các địa phương cần tập trung thực hiện quy hoạch tạo vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn. Thúc đẩy thực hiện tích tụ đất đai, tạo quỹ đất tập trung nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả có múi từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Bên cạnh đó, công tác tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, đầu tư cải tạo, thiết kế vườn đồi, lắp đặt hệ thống tưới, áp dụng quy trình sản xuất an toàn nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bước đầu đã ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua tem điện tử trên bưởi đặc sản Đoan Hùng; xây dựng trang web cho Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Đoan Hùng, làm cơ sở cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo ra kênh trao đổi tin cậy giữa người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng.