Cây bưởi trên đất rừng Thanh Sơn

Vốn là huyện miền núi khó khăn của tỉnh, thế nhưng, gần 10 năm trở lại đây, nhờ cơ cấu lại cây trồng, đặc biệt là phủ rộng các loại bưởi, nhất là bưởi Diễn, nhiều xã miền núi khó khăn của huyện Thanh Sơn đã thoát nghèo, nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mới chuẩn bị vào mùa, nhưng rất nhiều khách hàng từ khắp nơi, đặc biệt là ở Hà Nội tìm đến những vườn bưởi trĩu trịt quả vàng ươm đặt mua với số lượng lớn…


Bưởi Diễn đang trở thành cây trồng chủ lực thoát nghèo cho người dân các xã Cự Thắng, Tân Lập, Tân Minh… của huyện Thanh Sơn.

Chinh phục vùng đất cằn

Xã Cự Thắng là một trong các xã đầu tiên tham gia dự án trồng cây bưởi Diễn trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn của huyện có tổng diện tích 25ha với gần 100 hộ tham gia. Hơn 5 năm trước, không ai có thể nghĩ và tin thổ nhưỡng nơi này phù hợp để trồng các loại cây ăn quả lâu năm, hay các loại rau, củ, quả khác. Ông Đặng Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Đến nay diện tích trồng bưởi của xã trên 25ha, hộ trồng ít nhất cũng vài chục cây, hộ nhiều có từ 100 cây trở lên. Hiện tại, bưởi bán tại vườn có giá 18.000 -20.000 đồng/quả mà vẫn không có đủ hàng để khách đặt. Nhiều vườn bưởi đã trở thành tài sản lớn của các gia đình với mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Thắng một trong những điển hình về trồng bưởi ở khu 12 xã Cự Thắng cho biết, bưởi Diễn có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, khi chín vỏ màu vàng, tôm đều, vị ngọt mát thanh khiết, chín vào dịp Tết Nguyên đán, có thể để lâu vài tháng kể từ khi hái mà chất lượng vẫn không bị ảnh hưởng. Trước đây, đất vườn nhà ông quanh năm chỉ trồng ít rau củ theo mùa nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm 2015, ông đặt quyết tâm chinh phục “vùng đất nghèo” bằng việc trồng bưởi Diễn theo dự án trồng cây bưởi Diễn của huyện. Đến nay, gia đình ông có hơn 100 gốc bưởi trên diện tích hơn 1.000m2 đất vườn. 

Được biết, cây bưởi giống được lựa chọn, kiểm tra đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn và được thực hiện bằng phương pháp ghép mắt từ cây đầu dòng đã được tuyển chọn theo quy trình kỹ thuật của Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây có múi (thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả). Thành công từ vườn bưởi nhà ông Thắng đã giúp nhiều gia đình trong xã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng, chăm sóc bưởi Diễn. Giấc mơ đổi đời của người nông dân đang thành hiện thực và vị ngọt của bưởi Diễn trên mảnh đất này là minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn, dưới những gốc bưởi tỏa bóng mát rượi và chi chít quả, ông Đinh Văn Nghị ở khu Nưa Hạ, xã Tân Lập khẳng định về hiệu quả kinh tế mà vườn bưởi Diễn đem lại cho gia đình: “Mấy năm trở lại đây nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật và cách chăm sóc nên vườn bưởi của gia đình phát triển ổn định và có sức chống chịu cao so thời tiết khí hậu khắc nghiệt của khu vực miền núi. Từ sức chống chịu đó, có thể khẳng định, vùng đất khát này rất hợp với bưởi. Thời gian đầu rất mất công để chăm sóc vườn bưởi, nhưng khi bưởi ra hoa và cho quả mùa đầu tiên, là có thể yên tâm”.

Được biết, năm 2005, gia đình ông Nghị trồng 40 gốc, sau 5 năm thấy được hiệu quả của việc trồng bưởi, ông Nghị bàn bạc với gia đình dành toàn bộ diện tích vườn nhà để trồng hơn 1ha với trên 400 gốc bưởi. Mục đích xa hơn của ông là khi khu vực trồng bưởi mở rộng trở thành vùng chuyên canh bưởi Diễn của huyện, ông cùng với người dân nơi đây sẽ xây dựng bưởi Diễn Thanh Sơn thành thương hiệu bưởi đặc sản của tỉnh.

Không chỉ trồng bưởi, ông Nghị còn tự mày mò kỹ thuật để tách chiết ươm giống bưởi cung ứng cho bà con nông dân trong xã. Hiện nhiều hộ kinh doanh, thương lái buôn bán ở các nơi đến tận vườn ông Nghị cũng như nhiều gia đình trong xã để thu, mua bưởi với mức giá từ 10-15 nghìn đồng/quả. 

Xây dựng vùng bưởi chuyên canh

Hiện nay, huyện Thanh Sơn có 590ha trồng bưởi với trên 580ha bưởi Diễn, 7ha bưởi da xanh, 1ha bưởi đỏ. Dự án được huyện triển khai từ năm 2015 với diện tích 100ha ở 6 xã khó khăn của huyện gồm: Tân Minh, Văn Miếu, Tất Thắng, Tân Lập, Cự Thắng, Thục Luyện. Đây được xem như là “điểm tựa” để người nông dân lựa chọn giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng địa phương nhằm thay thế các loại cây tạp và một số cây lấy gỗ như bạch đàn, keo lai... kém hiệu quả.

Ông Kiều Đức Mạnh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mô hình trồng bưởi Diễn với mức lãi thu về khoảng 100 triệu đồng/năm của các xã đang trở thành mục tiêu hướng tới của các hộ nông dân trong toàn huyện. Cây bưởi ngày một khẳng định là loại cây phù hợp để phát triển ở vùng đất này và sẽ làm hồi sinh những vùng đất cằn. Từ sự thành công của các xã trồng điểm, huyện Thanh Sơn khuyến khích bà con đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, địa điểm mua cây giống đảm bảo chất lượng, phấn đấu đến năm 2025 diện tích bưởi của huyện tăng lên 1.112ha. Các hộ đăng ký trồng bưởi được tập huấn về tiêu chuẩn, chất lượng cơ bản, hướng dẫn biện pháp, quy trình chăm sóc. 

Trên thực tế, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Diễn khá cao so với cây trồng khác, hơn nữa, giống cây này rất thích nghi với điều kiện đất đai ở nhiều địa phương trong tỉnh, mặt khác nhu cầu của thị trường cho giống cây ăn quả này còn khá lớn. Song để tránh việc trồng dàn trải, không đem lại hiệu quả như các loại cây trồng khác thì rất cần sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương và các ngành chức năng từ khâu quy hoạch cũng như tìm đầu mối tiêu thụ, phát triển cây bưởi diễn thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, cho nguồn thu nhập ổn định, tạo sự phát triển bền vững cho người dân.