Xúc tiến phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại


Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng chứng kiến các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị Kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh.

Để ngành thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, bền vững, thực hiện công tác xúc tiến thương mại (XTTM) và thương mại điện tử, những năm gần đây, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, ổn định, phát triển thị trường trong nước đạt chỉ tiêu xuất khẩu.

Việc đẩy mạnh hoạt động XTTM, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo điều kiện cho các DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mặt hàng tiềm năng, từ đó đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ sản phẩm tạo ra chuỗi giá trị và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Thực hiện Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005; Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động XTTM, đến nay, tỉnh đã định hướng phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại hóa, gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất thời kỳ công nghiệp hóa và tiến trình hội nhập kinh tế của cả nước, gắn kết chặt chẽ việc sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân cùng nhu cầu xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa của DN. Nhiều nội dung XTTM được thực hiện nhằm ổn định, phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh chỉ tiêu xuất khẩu ngày càng tăng.

Những năm qua, hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của tỉnh được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như phát hành các ấn phẩm tuyên truyền, tờ rơi, tờ gấp giới thiệu sản phẩm của các DN, HTX, làng nghề. Các cơ quan thông tin tuyên truyền thực hiện các phóng sự, tin, bài, ảnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh về các sản phẩm bưởi Đoan Hùng, chè xanh Chùa Tà - Phù Ninh, chè an toàn Long Cốc - Tân Sơn, mì gạo Hùng Lô - Việt Trì, thịt chua Thanh Sơn, gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung - Yên Lập, rau, củ quả an toàn Tứ Xã - Lâm Thao, rau sạch Ngân Hà - thị xã Phú Thọ và giới thiệu nhiều mô hình chăn nuôi của các HTX, cơ sở trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, thu thập, biên tập thông tin về tiềm năng xuất khẩu của địa phương và danh sách các DN xuất khẩu, từ đó giới thiệu tiềm năng xuất khẩu của Phú Thọ với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.


Gian hàng trưng bày bưởi Bằng Luân - sản phẩm OCOP hạng 3 sao của huyện Đoan Hùng.

Ông Đặng Thế Kiên - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: “Thời gian qua, mạng lưới hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị bán hàng đã và đang phát triển rộng khắp các huyện, thành, thị với các chủng loại hàng hóa đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.  Giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công thương đã xác nhận cho các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện 110 chương trình khuyến mại, trị giá 5,4 tỷ đồng; tiếp nhận 3.759 thông báo thực hiện chương trình khuyến mại với trị giá 756,4 tỷ đồng; tổ chức 65 hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại tại các huyện, thành, thị với quy mô từ 100 - 350 gian hàng/hội chợ của các DN trong và ngoài tỉnh với 100 - 200 DN tham gia. Các hội chợ đã thu hút trên 4.300 lượt DN tham gia (trong đó có trên 30% số gian hàng là của các DN, HTX, cơ sở sản xuất trong tỉnh) với gần 8.400 gian hàng, thu hút trên 1,2 triệu lượt khách thăm quan, mua sắm, doanh số bán hàng đạt trên 5 tỷ đồng/kỳ hội chợ. Tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh tại 42 hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành trong cả nước và 1 kỳ hội chợ tại nước ngoài…”. 

Trong công tác quảng bá, kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tỉnh chỉ đạo xây dựng và vận hành website giới thiệu nông sản tỉnh nongsan.phutho.gov.vn; xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng phát triển thị trường cho các cơ sở sản xuất nông sản tỉnh; đã hỗ trợ các DN, HTX của tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh thông qua hội nghị kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố trong khu vực, như Hà Nội, Yên Bái, Lạng Sơn… Tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá, xây dựng, vận hành, nâng cấp và duy trì Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh 
giaothuong.net.vn từ tháng 12/2018 với thông tin của hơn 5.000 DN, HTX, làng nghề, hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 240 gian hàng của các DN, đơn vị với trên 800 sản phẩm, dịch vụ trưng bày, giới thiệu, bán trên Sàn và hơn 4,2 triệu lượt truy cập, các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của tỉnh, nhiều sản phẩm nông sản chế biến, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực được quan tâm thực hiện thường xuyên nhằm giúp cho lãnh đạo, cán bộ kinh doanh trực tiếp tại các DN nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về những kỹ năng kinh doanh mới và cập nhật những thông tin mới về các hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã ký kết với các nước trên thế giới đã có hiệu lực để có những giải pháp trong kế hoạch kinh doanh của các DN. 

 Sở Công thương đã phối hợp hỗ trợ xây dựng 21 điểm bán hàng Việt và mô hình thí điểm chợ vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giúp cho các hộ kinh doanh, DN nâng cao ý thức về đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, vệ sinh ATTP trong kinh doanh, từ đó làm cơ sở để triển khai mở rộng các mô hình ra trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cũng như yêu cầu của quản lý. Hỗ trợ 10 DN thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng, xây dựng 43 website thương mại điện tử, 17 phần mềm quản lý dữ liệu, quản lý bán hàng giúp cho các DN, HTX thuận tiện trong liên lạc, trao đổi thông tin, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, giao dịch trực tuyến có tốc độ cao, tin cậy, chi phí thấp.


Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính đã được quan tâm triển khai quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, nhiều thủ tục hành chính đã được triển khai ở cấp độ 3 và 4, giúp các DN giảm chi phí, thời gian đi lại, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên thế giới và trong nước như hiện nay.

Để duy trì và đẩy mạnh công tác XTTM, phát triển ngành thương mại- dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; chú trọng hỗ trợ các làng nghề truyền thống, các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm chăn nuôi, nông, lâm sản chế biến. Duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, đứng vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Thúc đẩy và tăng cường mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương, DN nhằm đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt tới thị trường nông thôn, miền núi, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng tăng xuất khẩu những mặt hàng chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước, các DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh về vai trò, lợi ích và kỹ năng XTTM, thương mại dịch vụ trong sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế. Khai thác, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế vào thực hiện công tác XTTM, phát triển thương mại dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nhân dân trong tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.