Kết nối giao thương thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm

Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu để tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng năm, tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sự nỗ lực của người dân, sản phẩm rau an toàn của HTX dịch vụ sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao đã có mặt trong nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh.


Để tăng cường hỗ trợ kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của tỉnh bằng nhiều hình thức; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội chợ kết nối giao thương, kết nối cung cầu để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và chế biến sản phẩm. Đồng thời, vận hành có hiệu quả các website nongsan.phutho.gov.vn; sàn giao dịch thương mại điện tử giaothương.net.vn để tạo sự tương tác giữa các cơ sở và người tiêu dùng, kết nối với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nhằm dễ dàng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương, đơn vị chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực để tạo niềm tin với người tiêu dùng. 

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền trong việc quảng bá, kết nối giao thương, không ít sản phẩm nông sản được đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh. Theo thống kê của Sở Công thương, chỉ tính riêng mặt hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có gần 60 sản phẩm được phân phối vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như: Rau, củ, quả; các loại bánh đã qua chế biến; thịt các loại; chè và các loại dầu ép ra từ nông sản bày bán ở siêu thị Big C, Vinmart, Coopmart... 

Chị Phạm Thanh Hương ở phường Vân Cơ, TP Việt Trì cho biết: “Tôi thường xuyên lựa chọn mua các loại sản phẩm trong hệ thống các siêu thị, nhất là các sản phẩm nông sản để sử dụng vì tin tưởng rằng các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Tôi cũng hy vọng tới đây có nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương sẽ có mặt trên các kệ hàng của siêu thị để tôi thêm nhiều sự lựa chọn và quan trọng hơn là giúp người nông dân có thêm thu nhập, nâng tầm giá trị cho nông sản tỉnh”.  

Không chỉ tăng cường kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm có mặt trong siêu thị, năm 2020, Sở Công thương đã khai trương và đưa vào hoạt động điểm giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền giao do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công thương quản lý, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp nông thôn quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông sản, thực phẩm. 

Hiện nay, điểm giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền đang giới thiệu và bán 26/28 sản phẩm OCOP của các địa phương trên toàn tỉnh như: Mì gạo Hùng Lô, chè Long Cốc, chè Hoài Trung, bưởi Đoan Hùng, gạo nếp Gà Gáy, thịt chua, tương… Các loại sản phẩm OCOP đều được các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kiểm soát chặt từ khâu sản xuất đến chế biến và được gắn tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Ngoài các sản phẩm trong tỉnh, tại đây còn trưng bày một số sản phẩm của các tỉnh bạn để tạo sự đa dạng về hàng hóa, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn.

Từ các hoạt động thiết thực trong việc quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên doanh liên kết mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nhiều sản phẩm, hàng hóa nông sản của tỉnh đã được giới thiệu ra các tỉnh để tiêu thụ. Đồng thời, đây còn là nơi để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, nắm bắt xu thế thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó các đơn vị có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, định hướng chiến lược sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nông sản thực phẩm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.