Chương trình OCOP: Đưa sản phẩm từ làng lên phố

 

HTX Mỳ gạo Hùng Lô đầu tư đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất theo quy trình quy định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phú Thọ đã xây dựng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và tổ chức thực hiện như một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh để gia tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương. Đến nay, các sản phẩm từ làng nghề, hợp tác xã (HTX) đã góp phần gìn giữ và phát triển tinh hoa làng nghề truyền thống, ngành nghề mới, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững.

 

Khơi dậy tiềm năng

Những năm gần đây, UBND tỉnh đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương. Ông Vũ Quốc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Những thay đổi từ tư duy chỉ đạo đã tạo ra đổi thay thực sự tại các địa phương. Người dân nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao. Dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị, người dân đã học hỏi kiến thức mới để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm nông sản. Đến nay, Phú Thọ đã có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao, 20 sản phẩm đạt 3 sao.

Là một trong những sản phẩm nông sản địa phương được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao, Mỳ gạo Hùng Lô đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng “nhớ mặt” và thị trường ưa chuộng. Thành lập năm 2016 trên cơ sở những gia đình làm mỳ gạo truyền thống của xã Hùng Lô, TP Việt Trì, chỉ sau 5 năm hoạt động, HTX Mỳ gạo Hùng Lô với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất mỳ gạo, bún khô, phở khô… đã xây dựng được thương hiệu của mình. Những ngày đầu, HTX Mỳ gạo Hùng Lô chủ yếu sản suất theo hình thức thủ công, nhỏ lẻ, sản lượng chỉ đạt từ 8-10 tấn/tháng, chất lượng chưa đồng đều và chỉ tiêu thụ tại địa phương. 

Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô chia sẻ: Để nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu, HTX Mỳ gạo Hùng Lô đã đầu tư đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất theo quy trình quy định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng logo và làm hồ sơ xin chứng nhận nhãn hiệu tập thể… Dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và các tổ chức, HTX Mỳ gạo Hùng Lô ngày càng khẳng định thương hiệu, ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm với nhiều doanh nghiệp lớn, xây dựng được đầu mối bán buôn tại nhiều tỉnh. Hiện nay, HTX trung bình sản xuất 40-50 tấn sản phẩm/tháng, doanh thu hàng năm đạt trên 9 tỉ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê - HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen là sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao của tỉnh. Được thành lập từ năm 2017 với 10 thành viên, đến nay, các thành viên HTX đang phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương trong sản xuất và chế biến chè. Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX cho biết: Nhờ có sự hướng dẫn, tạo điều kiện của các cơ quan, ngành chức năng về xây dựng thương hiệu sản phẩm mà các thành viên HTX đã thay đổi tư duy, nhận thức để tạo ra sản phẩm chất lượng, uy tín với thị trường. Được trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh là niềm vinh dự lớn lao của các thành viên HTX. Đây cũng là động lực để khơi nguồn hơn nữa những tiềm năng sẵn có của địa phương.

Người dân tiếp cận các sản phẩm OCOP dễ dàng hơn tại các hệ thống siêu thị hiện đại.

Bắt nhịp với thương mại điện tử

Thực tế cho thấy chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo “làn gió mới” cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương; từ đó hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. 

Để đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường, nhất là vào hệ thống kênh bán lẻ, tiêu thụ, Sở Công thương đã ra mắt các điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm, trong đó có các sản phẩm hàng hóa đặc trưng các vùng, miền tại tỉnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Đồng thời, tổ chức các hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản với quy mô hơn 300 gian hàng, thu hút sự tham gia của nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, làng nghề, trang trại trong tỉnh và trên 20 tỉnh, thành phố trong nước.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, phường Tiên Cát, TP Việt Trì chia sẻ: Hiện nay, dạo một vòng các siêu thị lớn, có thể thấy các sản phẩm rau sạch của HTX Rau an toàn Tứ Xã (Tứ Xã, Lâm Thao), HTX mỳ gạo Hùng Lô (Hùng Lô, thành phố Việt Trì), thịt chua Thanh Sơn… đã xuất hiện trên các kệ hàng. Vượt qua nhiều quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã đảm bảo các yêu cầu, tiêu chí để được bày bán tại các siêu thị uy tín. Đây là một thành công bước đầu trong việc đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa - Giám đốc HTX Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods thông tin: Hiện nay, Sở Công thương và Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành triển khai xây dựng các giải pháp thương mại điện tử, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử “giaothuong.net.vn” và sàn giao dịch thương mại điện tử “voso.vn” để quảng bá, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của mình. Đây là cơ hội lớn mở ra thị trường thương mại trực tuyến, giúp các sản phẩm của Trường Foods đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.


Phú Thọ đặt mục tiêu, đến hết năm 2021 có ít nhất 78 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, 25 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt hạng 3 sao và có 1 - 2 sản phẩm đạt hạng 5 sao; mỗi xã, phường có ít nhất 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. 

Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Để đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, ngành Công thương tiếp tục hướng dẫn các đơn vị xây dựng hệ thống các điểm bán hàng, chú trọng tại các vị trí tập trung đông dân cư, các điểm dừng nghỉ, các trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Tổ chức các hội chợ triển lãm thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết bền vững. Quan tâm hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trực tiếp hoặc trực tuyến trên mạng internet cho doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay, đẩy mạnh thương mại điện tử là hướng đi đúng và trúng. Hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, đưa sản phẩm OCOP lưu thông tại các hệ thống phân phối…

Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể tham gia chương trình tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ. Đây vừa là cơ hội khơi dậy tiềm năng của các sản phẩm truyền thống địa phương, vừa là thách thức trong đổi mới tư duy đối với người dân và các cơ quan, đơn vị nhằm đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.