Hương chè Thanh Ba


25 ha chè của Tổ liên kết sản xuất chè sạch mỗi năm đưa ra thị trường hàng chục tấn chè khô đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.


Cây chè đã có mặt trên vùng đất Phú Thọ từ hàng trăm năm trước, kể từ khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vùng đất Thanh Ba có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, là nơi chuyên canh chè tập trung dưới sự quản lý của chủ đồn điền người Pháp… Đất nước hòa bình, độc lập, ruộng đất về với người dân. Trải qua nhiều gian nan, lận đận bởi tác động của cơ chế do khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, do rớt giá hoặc do thiếu vốn để trồng mới và thâm canh, hương chè Đất Tổ vẫn bay xa, vượt qua lãnh thổ Việt Nam tới các nước Đông Âu, Trung Đông…

Trong những ngày cuối năm, chúng tôi đến xã Vân Lĩnh huyện Thanh Ba, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” đồi chè. Người dân nơi đây lấy cây chè làm cây trồng chủ lực, cây phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững. Người sành chè Thanh Ba nói rằng chè ở xã Thái Ninh ngon hơn hẳn do sinh trưởng nơi thổ nhưỡng gốc của chè, từ ngày còn nông trường chè Vân Lĩnh. Trải qua thời gian biến động của cơ chế thị trường, những cơ sở sản xuất lớn của ngành chè như: Phú Sơn, Vân Hùng, Vân Lĩnh, nông trường Thanh Niên, Nhà máy chè Cẩm Khê…gặp nhiều khó khăn. Có những thời điểm ứ đọng hàng chất đầy trong kho đã làm cho người trồng chè chán nản. Hàng trăm héc ta chè bị bỏ hoang, không có người chăm sóc và thu hái, rồi có những gia đình đành “nhắm mắt” chặt bỏ cây chè để thay vào cây trồng khác. Những diện tích chưa bị chặt bỏ thì người dân không quan tâm chăm sóc dẫn đến năng suất thấp, cây thoái hóa, già cỗi và sâu bệnh tràn lan đã làm nhiều vùng chè biến thành đồi trọc. Cùng với địa phương khác trong tỉnh, thời điểm đó, cây chè Thanh Ba đứng trước bờ vực nguy cơ gần như bị xóa sổ và mất đi vị trí số một trong đời sống kinh tế nông nghiệp của người dân. 



Cây chè là cây trồng chủ lực, có giá trị, thu nhập cao giải quyết việc làm cho người lao động.

Rót chén trà nóng màu vàng óng mời khách, đồng chí Nguyễn Trung Thành - Phó chủ tịch UBND xã Vân Lĩnh cho biết: “Chè là cây truyền thống của xã. Hiện toàn xã có gần 434ha/927ha đất tự nhiên, trong đó 50% diện tích là chè của Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền”. Ở đây nhà nào cũng có chè, nhà ít thì vài nghìn mét vuông, nhà nhiều chục ha. Những vạt chè được trải rộng từ đồi thấp lên đồi cao, len lỏi vào những mảnh vườn trong nhà dân. Không còn làm riêng lẻ, bà con trong xã đã thành lập Tổ liên kết sản xuất chè sạch do anh Nguyễn Xuân Trường là tổ trưởng với 12 thành viên tham gia có tổng diện tích 25ha ở khu 1. Anh Trường là người đi đầu trong việc trồng chè giống mới, nhiều người coi anh là "chuyên gia" về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè. Anh cho biết: “Nhóm hộ chúng tôi trồng được 25 ha chè lai và Bát Tiên giờ mỗi lứa đã thu vài chục tấn búp tươi, một năm hái năm, sáu lứa.”.

Nhằm bảo tồn giống chè tím, huyện đã trồng mới 20 ha tại xã Hanh Cù. Bước đầu cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Do xác định được giá trị, lợi thế của cây chè trong phát triển kinh tế huyện Thanh Ba đã có quy hoạch, định hướng và chủ trương đưa cây chè trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp người dân xoá đói giảm nghèo. Đồng chí Nguyễn Trung Tình- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thanh Ba xác định cây chè là một trong những sản phẩm chủ lực trong phát triển nông nghiệp, có giá trị thu nhập cao, giải quyết việc làm cho đại bộ phận trên người dân đại bàn. Tổng diện tích chè toàn huyện là 1.386 ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt là 17.930 tấn.  Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển cây chè là cây trồng chủ lực. Trong đó, trồng lại, cải tạo cây chè cằn xấu, sang giống mới năng suất, chất lượng cao. Huyện lồng ghép chính sách hỗ trợ giống theo các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và tỉnh trồng lại thay thế giống cũ Trung Du thành LDP1, LDP2, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên… Khuyến khích người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân bón chuyên dụng, trồng cây che bóng, đầu tư  hệ thống tưới nước giúp cây chè phát triển nhanh cả về diện tích, năng suất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn hộ dân trồng chè. 

Hiện nay, giá chè búp tươi thu mua tại đồi có giá dao động từ 2,500 – 4.500đồng/kg đã giúp cây chè có chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Trên khắp các triền đồi, đâu đâu cũng thấy màu xanh mướt mắt của cây chè, sự no đủ đã hiện diện khắp ở trong những vùng trồng chè Thanh Ba.

Thúy Hằng_Baophutho.vn