Chương trình OCOP nâng cao giá trị nông sản


Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá các sản phẩm OCOP phân hạng 3 sao và 4 sao.

 

Năm 2021, Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tiếp tục được triển khai đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất nông sản của các địa phương, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho người nông dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. 

Tham gia OCOP đã giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận với phương thức sản xuất, quản lý kinh doanh khoa học, khuyến khích sáng tạo, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, thúc đẩy chế biến sâu, làm đa dạng hóa và gia tăng giá trị hàng hóa nông sản. Triển khai Chương trình OCOP đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể, nhất là các HTX, doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, quảng bá, phát triển thị trường, góp phần quan trọng thay đổi nếp nghĩ, cách làm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm. Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, chương trình OCOP giúp khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng vùng nguyên liệu và xưởng chế biến mì rau củ của mình, ông Đào Minh Chiến- Phó Giám đốc HTX Thực phẩm xanh Vĩnh Lại, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao hồ hởi: “Sau khi sản phẩm mì rau củ của HTX chúng tôi được công nhận đạt hạng OCOP đã tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng nên lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Để có được như vậy, chúng tôi thực hiện rất kỹ các khâu từ nguồn nguyên liệu đầu vào như gạo, rau, củ; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến, bảo quản… Hiện nguồn nguyên liệu đều do HTX tự gieo trồng (trừ gạo J02 có hợp đồng với các hộ cấy lúa tại địa phương). Tới đây, khi quy mô sản xuất được mở rộng và ra mắt thêm một số sản phẩm khác, chúng tôi sẽ liên kết với bà con nông dân trong huyện để có nguồn nguyên liệu ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.

Nhờ đạt các tiêu chuẩn OCOP, các sản phẩm chè xanh của HTX Chè an toàn Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường với các sản phẩm như chè xanh Bát Tiên, chè xanh Bát Tiên loại đặc biệt, chè Đinh Long Cốc của HTX đang được tiêu thụ với mức giá từ 600.000 đồng- 1.500.000 đồng/kg.



Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra quy trình sản xuất an toàn tại vùng nguyên liệu chè Long Cốc, huyện Tân Sơn.


Bà Phạm Thị Hạnh - Giám đốc HTX chia sẻ: “Tham gia Chương trình OCOP, quá trình sản xuất tại HTX được quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; các sản phẩm đều có đầy đủ tem nhãn, mã vạch để truy suất nguồn gốc nên tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Dù sản xuất gặp khó khăn do vướng phải dịch bệnh COVID-19, song năm nay chúng tôi vẫn cơ bản tiêu thụ hết sản lượng chế biến với mức giá ổn định. Nhờ vậy, thành viên HTX và người dân có hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi vẫn yên tâm sản xuất, đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn”.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 85 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (riêng năm 2021 là 57 sản phẩm), trong đó có 56 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 29 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song số lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP vẫn tăng lên, đặc biệt là có nhiều sản phẩm thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Điều đó cho thấy, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ có hiệu quả của tỉnh và các huyện, thành thị, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác… Khoảng 70% các sản phẩm OCOP hiện nay là các nhóm ngành hàng nông sản như chè, rau, củ, quả… có diện tích sản xuất rộng, số hộ tham gia lớn. Khi tham gia Chương trình OCOP đã giúp người dân có những thay đổi trong tập quán sản xuất, chú trọng đến các khâu an toàn thực phẩm; áp dụng công nghệ để nâng cao giá trị.



Đóng gói sản phẩm mì rau củ đạt tiêu chuẩn OCOP tại HTX Thực phẩm xanh Vĩnh Lại, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao.


Ông Vũ Quốc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nhận định:  Để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao lợi nhuận cho chủ thể, rất cần các cấp, các ngành, các địa phương hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm…; hỗ trợ giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch trong tỉnh. Đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường gắn với phát triển các sản phẩm có tiềm năng ở các địa phương đạt sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Khuyến khích phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới hoàn thiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm thành sản phẩm OCOP. Ngoài việc đẩy mạnh liên kết để tiêu thụ sản phẩm tại các kênh thương mại truyền thống cũng cần khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, websit, mạng xã hội… nhằm kết nối cung - cầu, giúp cho sản phẩm có lợi thế khi tham gia thị trường, nâng tầm giá trị, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. 

Quân Lâm - baophutho.vn