Hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản - Kỳ II: Để nông sản Đất Tổ vươn ra thị trường quốc tế

Một trong những yếu tố quan trọng cần hướng tới trong xuất khẩu nông sản là chất lượng, hiệu quả, ổn định và xây dựng được thương hiệu uy tín kể cả là hoạt động theo quy mô nhỏ. Trước đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cũng như phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng, hoạt động xuất khẩu nông sản đang đặt ra những vấn đề quan trọng cần giải quyết.

Đa dạng kênh tiêu thụ, nắm bắt tín hiệu thị trường

Diễn ra vào cuối tháng 5/2022, thời điểm các thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam đang dần phục hồi sau những đợt đứt gãy logistics do COVID-19, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” đã quy tụ những trăn trở và mong mỏi của những người làm nông nghiệp. Những vấn đề chính, vấn đề lớn, nổi cộm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị được đề cập, trong đó có nội dung Việt Nam xuất khẩu nông sản trên 48 tỉ USD, tuy nhiên vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chế biến tinh còn rất hạn chế, 70-80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó hơn 70% xuất khẩu lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao, đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chủ trương “sản xuất theo tín hiệu thị trường” nhưng hiện nay nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất. Do vậy, cần phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo cho sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng được mùa - rớt giá; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương. Từ hội nghị này có thể thấy mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến các tiêu chuẩn để xuất khẩu không chỉ là vấn đề riêng của tỉnh mà là vấn đề chung của các địa phương trong cả nước.

Việc tích cực xúc tiến thương mại là giải pháp quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã trực tiếp tổ chức và hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với các địa phương, trong đó có tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản vào vụ. Đến nay, mô hình này đã trở thành hình thức xúc tiến thương mại điện tử mới, hiệu quả và lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước, góp phần tích cực vào kết quả xuất- nhập khẩu. Tại tỉnh ta, những năm qua, nhằm quảng bá, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại đã diễn ra các Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP, nông sản tỉnh Phú Thọ; lễ hội bưởi Đoan Hùng và hội chợ nông sản; hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu... tạo cơ hội hợp tác cho các chủ thể tham gia tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tìm kiếm đối tác xuất khẩu. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường, trong đó có quy định cụ thể đối với từng loại thị trường để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Chuyển dần từ xuất khẩu ủy thác, xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu trực tiếp, nhằm đa dạng hóa thị trường.

Hướng tới các quy chuẩn về chất lượng

Giá trị của sản phẩm nông nghiệp sẽ đạt tối ưu khi gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và là điều kiện cần để sản phẩm để có thể xuất khẩu chính ngạch với giá trị kinh tế cao. Để tạo ra các sản phẩm nông sản có chất lượng đồng đều, an toàn, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, kế hoạch đã được Trung ương, tỉnh ban hành về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng nông sản và thu nhập cho người dân. Xây dựng thương hiệu, định hướng thị trường để định hướng sản xuất, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế của nông sản địa phương, hướng dẫn sản xuất theo chuẩn mực của thị trường thế giới.

Xây dựng các vùng chuyên canh với những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, không chỉ đáp ứng nguồn hàng nông sản với khối lượng lớn, chủng loại đa dạng, chất lượng ổn định mà còn đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Việc cấp mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, làm thay đổi nhận thức, tập quán, phương thức sản xuất của người dân, HTX, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo các điều kiện để xuất khẩu.

Đặc biệt, giải được bài toán chế biến sâu sẽ giảm được áp lực về thời gian tiêu thụ, mở thêm thị trường mới, tăng sức cạnh tranh và nâng cao thương hiệu. Bưởi, chè, chuối trên địa bàn tỉnh là những mặt hàng có vùng nguyên liệu tốt, được sản xuất trên quy mô lớn với mức độ cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tương đối đồng bộ, có khối lượng giá trị tiêu thụ lớn, giá bán cạnh tranh, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Đặc biệt, chè là mặt hàng tập trung nhiều doanh nghiệp mạnh, đã có thương hiệu và có mong muốn xây dựng thương hiệu để hình thành, phát triển thương hiệu Quốc gia.

Doanh nhân Bùi Thị Mão- Giám đốc Công ty TNHH Chè Hoài Trung, huyện Thanh Ba chia sẻ: Công ty chúng tôi chuyên sản xuất chè đen xuất khẩu đi thị trường Trung Đông, Trung Quốc. Thực tế là sản phẩm ở dạng sơ chế nên giá trị gia tăng không cao. Vì vậy, cùng với sản phẩm chè đen, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất chè xanh và cho ra đời sản phẩm mới, đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao cấp tỉnh. Điều doanh nghiệp hướng tới là sản phẩm đạt OCOP năm sao, đây là điều kiện cần để xây dựng thương hiệu quốc gia, sản phẩm có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính, vào hệ thống bán lẻ thị trường nước ngoài. Để làm được điều này, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về máy móc, dây chuyền hiện đại, công nghệ mới trong sản xuất...

Mở rộng thị trường xuất khẩu mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức bởi các thị trường khó tính thường có yêu cầu về kỹ thuật rất cao đối với hàng nông sản như yêu cầu về nhãn mác hàng hóa, bao bì đóng gói, dư lượng tối đa hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp, tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng… Muốn vậy, phải quản lý tốt vật tư đầu vào, giống, xuất xứ địa lý; quản lý được việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình kỹ thuật chăm sóc qua đó mới quản lý được sản lượng, chất lượng sản phẩm đầu ra.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để xây dựng thành công các vùng trồng nông sản phục vụ mục tiêu xuất khẩu, ngành nông nghiệp khuyến khích các hộ nông dân liên kết hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy xuất quá trình sản xuất nông sản và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản Phú Thọ. Tiếp tục phối kết hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch quản lý, cấp chứng nhận mã số vùng trồng, vùng nuôi đối với các sản phẩm nông, lâm thủy sản trên địa bàn, lựa chọn đối tượng, quy mô để cấp mã số sản xuất; xây dựng bản đồ số nhằm đánh giá được vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm an toàn lên sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ công nghệ mã hóa vùng trồng theo đúng quy chuẩn.

Để hoạt động xuất khẩu nông sản có hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc đảm bảo chất lượng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ. Nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả các chính sách thương mại, cam kết thương mại quốc tế, các rào cản kỹ thuật và điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu linh hoạt, hiệu quả, tạo thuận lợi thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.

Theo Baophutho.vn