Khi bưởi không chỉ là cây ăn quả


Tỉa hoa ở những cây non.

Trong tiềm thức của nhiều người, Bưởi Đoan Hùng là thứ quả đặc sản nức tiếng và cây bưởi là thứ cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế theo mùa. Câu chuyện được mùa - mất giá hay được giá mà chất lượng quả không cao… diễn ra như bất kể ở vùng quê nào. Thế nhưng giờ đây, trên cơ sở tiếp thu những kiến thức khoa học kỹ thuật cùng với sự sáng tạo, những người con đất bưởi đã biến cây bưởi không chỉ cho hoa thơm, trái ngọt mà còn trở thành “cây nguyên liệu” mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đoạn đê sông Chảy- đường tỉnh 322- công trình chào mừng 70 năm thành lập Đảng bộ huyện Đoan Hùng được khánh thành cách đây hai năm làm cho bộ mặt vùng quê có nhiều sự đổi thay rõ rệt. Không biết có phải do mật độ giao thông tấp nập của nhân dân mà điểm đến, đi từ những ngôi nhà xây khang trang, kiên cố hướng ra mặt đường hay do mải hít hà hương bưởi nồng nàn đang trong mùa hoa mà cảm giác hơn hai chục cây số dường như ngắn lại. Từ lâu, cây bưởi với giá trị kinh tế cao đã được coi như loại “cây vàng” trên vùng đất khó này, bởi vậy, những vườn bưởi ngày càng được đầu tư chăm sóc, phát triển cùng sự phấn khởi của nhân dân. Được biết, toàn huyện Đoan Hùng có tổng diện tích cây bưởi đạt gần 2.500ha, trong đó riêng 2 giống bưởi đặc sản là bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân 1.400ha, còn lại là bưởi Diễn và 1 số giống bưởi khác với sản lượng ước đạt 20.000 tấn và doanh thu đạt khoảng 300 tỷ đồng.

Hạt bưởi - được thu mua để ép tinh dầu.

Tiết xuân ấm áp, những cây bưởi đơm từng chùm hoa dày, có khi đến vài chục bông, rồi hương thơm ngào ngạt gọi những đàn ong, bướm, chim chóc khắp nơi tìm về lấy mật, thụ phấn cho hoa để thành những “quả ngọt” cho mùa tới. Đó là câu chuyện người nông dân và cây bưởi từ nhiều năm trước, còn hiện nay, tiếp thu những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người trồng bưởi đã chủ động việc thụ phấn cho cây để đảm bảo số lượng quả ở mỗi cây, từ đó cho chất lượng quả tương đối đồng đều và tận thu các sản phẩm phụ từ cây bưởi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngõ vào nhà ông Đỗ Văn Lụa - thôn 1, xã Hùng Xuyên phải đi qua vườn bưởi. Đang mùa hoa nở rộ, thế nên khung cảnh xum họp gia đình được chuyển từ trong nhà ra… ngoài vườn; từ quây quần bên ấm trà xuân sang những công việc xoay quanh gốc bưởi. Cả gia đình ông và mấy người thân ở Tuyên Quang về đang tiến hành lựa chọn hoa và thụ phấn cho bưởi. Trên mỗi cành, giữa những bông hoa trắng nhỏ như đầu ngón tay kết thành chùm lớn, người nông dân khéo léo lựa, tách chọn bông hoa to nhất, có 5 cánh đều nhau làm hoa cái và sử dụng dụng cụ như chiếc chổi trang điểm đánh trên má hồng của người con gái để “kết đôi” cho bưởi. Những bông còn lại được ngắt cho vào những chiếc rổ lớn. Tương tự, ở những cành cao hơn, công việc càng khó khăn hơn khi chiếc chổi được nối dài thêm và phải thật tinh mắt mới chọn được đúng bông hoa đạt tiêu chuẩn. Với những cây bưởi non thì toàn bộ lượng hoa cũng sẽ được “thu hoạch”. Quả bưởi non của đợt hoa đầu vụ nếu để sẽ cho chất lượng không cao, hay bị “gạo” khi thu hoạch cũng sẽ được ngất bán làm nguyên liệu. Ông Lụa cho biết: “Vườn bưởi của gia đình tôi gần như bé nhất làng, với chúng tôi, cây bưởi là thứ cây thúc đẩy kinh tế gia đình tăng rất nhiều. Từ bưởi, chúng tôi xây dựng được nhà cửa, mua sắm được các đồ dùng sinh hoạt, có kinh phí cho con cái học hành. Bên cạnh việc chủ động số quả, bán cây giống như mọi năm, năm nay còn có thể tận dụng hoa bưởi, quả non và cả hạt bưởi là những thứ vốn chỉ vứt bỏ, thì trên cùng diện tích vườn sẽ cho thu nhập tăng thêm rất nhiều”.

Người dân thụ phấn cho bưởi.

Đến đất bưởi mùa này, thật khó để được chủ vườn mời “vào nhà xơi nước” bởi những công việc luôn tay ngoài vườn bưởi. Với giá bán 30.000đ/kg hoa; 50.000đ/kg hạt và 5.000đ/quả bưởi non cùng việc bón phân, tỉa cành, ngắt lá và thu hoạch đúng thời vụ, nhờ vậy, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi ngày càng được nâng cao. Hiện nay, trung bình 1ha bưởi đặc sản trồng trên đất Đoan Hùng cho thu nhập từ 400 - 600 triệu đồng và thêm nguồn thu từ các sản phẩm phụ dự kiến tăng hàng trăm triệu đồng/ha sẽ cho nguồn thu cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Ông Nguyễn Tuấn Oanh - Giám đốc Hợp tác xã công nghệ cao Đoan Hùng cho biết: Mỗi cây bưởi khoảng 10 năm tuổi có thể cho đến 20 - 30kg bưởi, những cây trẻ hơn, cây non chưa cho quả có thể cho khoảng 10kg hoa/cây. Hoa bưởi tươi cắt thành từng chùm 15 - 20cm cung cấp cho thị trường Hà Nội và các vùng lân cận làm hoa trưng bày hoặc ướp các loại đồ ăn, thức uống; hạt bưởi bên cạnh việc cung cấp cho các trang trại sản xuất cây giống có thể dùng ép dầu; quả non tận dụng vỏ làm tinh dầu và cùi để chế biến chè bưởi. Trong thời gian qua, HTX đã triển khai công tác xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng bưởi. Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tận thu các sản phẩm phụ từ bưởi như hoa, vỏ, hạt và quả non để gia tăng giá trị, làm phong phú, đa dạng về sản phẩm và nâng cao chất lượng, mẫu mã, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

“Bưởi cành la - na cành ngọn” là cách mà từ xa xưa, người có kinh nghiệm chọn lấy những quả ngon khi còn ở trên cành, còn ngày nay, dưới sự chăm sóc của người nông dân, thật khó để phân biệt điều ấy. Quê bưởi qua mấy hôm trở trời, sụt sùi mưa gió, hương thơm vẫn phảng phất nhưng hoa bưởi không còn rụng trắng sân và trong vườn bưởi ngát hương ấy, những nông dân vẫn miệt mài như những chú ong thợ.

Lê Hoàng_Baophutho.vn